Nội dung chính
1. Biểu hiện của thiếu máu do thiếu sắt
Sắt là một khoáng chất tạo thành hemoglobin, một loại protein bên trong các tế bào hồng cầu liên kết với oxy. Mức độ sắt thấp có thể làm giảm khả năng cung cấp oxy đi khắp cơ thể.
Thiếu sắt gây ra nhiều triệu chứng khác nhau bao gồm: Mệt mỏi, cảm thấy lạnh hoặc có thể nhức đầu, cảm giác lâng lâng, khó tập trung, tính khí thất thường, nhịp tim nhanh, hụt hơi, tóc khô, móng tay khô, dễ nhiễm trùng…
Nếu có dấu hiệu nghi ngờ thiếu sắt, người bệnh nên đi khám, làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác để có biện pháp can thiệp phù hợp. Trong hầu hết các trường hợp, nếu nguyên nhân do chế độ ăn không đủ sắt, mức độ sắt có thể được tăng lên từ từ khi thay đổi chế độ ăn uống.
2. Người bệnh thiếu máu nên ăn gì để giúp cơ thể hấp thu chất sắt tốt hơn?
Chế độ ăn của người thiếu máu do thiếu sắt nên tăng cường các loại thực phẩm giàu chất sắt và những thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác, đặc biệt là vitamin C, axit folic. Nguồn thực phẩm chứa nhiều chất sắt bao gồm thịt đỏ, đậu, lòng đỏ trứng, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và hải sản…
Thực phẩm có nguồn gốc động vật có hàm lượng sắt cao nhất như: thịt bò, hàu, thịt gà… Các nguồn cung cấp sắt từ thực vật bao gồm: đậu, đậu lăng, đậu phụ, khoai tây, hạt điều, rau lá xanh đậm (như rau bina và cải xoăn), ngũ cốc nhiều cám…
2.1. Thịt
Các loại thịt như: Thịt bò, thịt gà, thịt cừu, thịt lợn… rất giàu chất sắt cơ thể dễ hấp thu. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, mặc dù thịt đỏ là một nguồn cung cấp chất sắt dồi dào, nhưng nó cũng có thể là một lựa chọn có hàm lượng cholesterol cao.
Vì vậy, bạn cũng không nên ăn quá nhiều mà nên kết hợp với các thực phẩm giàu sắt khác.
2.2. Nội tạng động vật
Nội tạng động vật bao gồm thận, não, tim, đặc biệt là gan chứa nhiều sắt. Người bệnh nên chọn gan lợn hoặc gan bò vì chúng chứa hàm lượng sắt cao. Tuy nhiên, bạn cũng nên ăn ở mức vừa phải vì chúng chứa hàm lượng cholesterol cao.
2.3. Hải sản và động vật có vỏ
Nhiều loại hải sản và động vật có vỏ là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào, đặc biệt là cá ngừ và cá mòi. Động vật có vỏ, đặc biệt là hàu, tôm, trai và sò giàu chất sắt tương tự như thịt.
2.4. Một số loại rau
Các loại rau ăn lá có màu xanh đậm, đậu xanh và cà chua là những nguồn cũng cấp chất sắt tốt. Bông cải xanh và cải ngọt cũng chứa vitamin C, giúp cơ thể hấp thu chất sắt từ chế độ ăn uống.
2.5. Một số loại trái cây
Người bệnh thiếu máu cũng nên ăn các loại trái cây giàu vitamin C như để giúp hấp thu sắt tốt hơn. Trái cây có hàm lượng vitamin C cao nhất bao gồm trái cây họ cam quýt (cam, chanh, bưởi), mâm xôi, việt quất, kiwi, xoài, đu đủ, dưa hấu, dứa, dâu tây… Hoặc ăn các loại mơ khô, đào, mận khô và nho khô có chứa sắt.
2.6. Hạt bí ngô
Hạt bí ngô sống rất giàu chất sắt với hơn 2mg sắt trong một chén hạt bí ngô nguyên chất. Nếu rang hạt bí ngô, bạn nên rang ở nhiệt độ thấp, tránh rang nhiệt độ quá cao vì điều đó có thể làm giảm lượng sắt.
2.7. Đậu phụ
Trong 126g đậu phụ có thể cung cấp 3,4mg sắt. Đậu phụ còn là nguồn cung cấp thiamine và một số loại khoáng chất như như canxi, magie, selen… tốt cho sức khoẻ.
2.8. Các loại hạt
Các loại hạt cũng là nguồn cung cấp folate dồi dào, có thể cải thiện sự hấp thu sắt. Đặc biệt, hạt dẻ cười là một món ăn nhẹ giàu chất sắt nhưng không chứa nhiều calo như các loại hạt khác.
3. Tránh thực phẩm hạn chế hấp thu chất sắt
Một số loại đồ uống như: cà phê, trà và rượu vang có chứa polyphenol, có thể ức chế sự hấp thu sắt. Vì vậy, nếu bạn đang ăn một bữa ăn bổ sung thực phẩm giàu sắt thì nên tránh các loại đồ uống này cùng thời điểm.